Khi xe cháy, nếu tìm và đeo khẩu trang, đi găng tay rồi đi lấy bình cứu hỏa thì có thể không còn kịp nữa”, KS Lê Văn Tạch hài hước.
Xe 10 chỗ trở lên phải trang bị găng tay chữa cháy, khẩu trang lọc độc.
Dư luận mấy ngày qua quan tâm nhiều đến Thông tư 57/2015 của Bộ Công an, (có hiệu lực từ 6/1/2016), trong đó có quy định ô tô từ bốn chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình chữa cháy. Tuy nhiên, theo thông tư này, ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên còn phải trang bị nhiều trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy khác.
Cụ thể, theo Phụ lục 1 quy định về danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, ban hành kèm theo Thông tư 57/2015 (có hiệu lực từ ngày 6-1), ô tô từ bốn chỗ ngồi đến chín chỗ ngồi chỉ phải trang bị một bình chữa cháy.
Tuy nhiên, ô tô từ 10 chỗ ngồi đến 15 chỗ ngồi, ngoài việc phải trang bị bình chữa cháy theo quy định thì còn phải trang bị một bộ dụng cụ phá dỡ chuyên dùng (kìm cộng lực, búa, xà beng); một chiếc đèn pin chuyên dụng; một đôi găng tay chữa cháy; một khẩu trang lọc độc.
Số găng tay chữa cháy và khẩu trang lọc độc được yêu cầu gấp đôi đối với ô tô từ 16 chỗ ngồi trở lên.
Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 41 Nghị định 167/2013 thì: Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đầy đủ hoặc không đồng bộ theo quy định; không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định.
“Nếu xe cháy, lo mà chạy càng xa càng tốt”
Dư luận hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước thông tư 57 của bộ CA. Một chuyên gia nhiều năm họat động trong lĩnh vực ô tô, ông Lê Văn Tạch, chuyên viên phòng logistics, Công ty ôtô Toyota Việt Nam (TMV) lên tiếng về vấn đề này.
“Do đặc thù xe ôtô khi cháy thường có sự rò rỉ nhiên liệu hay chập điện nên thời gian từ khi xuất hiện ngọn lửa cho đến khi bùng cháy thành ngọn lửa lớn thường rất ngắn. Nếu lái xe tìm đeo khẩu trang và đi găng tay rồi đi lấy bình cứu hỏa thì có thể không còn kịp nữa.
Còn khi ngọn lửa lớn bùng lên và lan rộng thì bình cứu hỏa nhỏ cũng chẳng thể phát huy tác dụng. Khi ấy, lái xe nên tránh xa để an toàn tính mạng vì trên xe có một số bộ phận có thể nổ khi hỏa hoạn như bình nhiên liệu, bình ngưng của điều hòa...”